Măng cụt Bảo Lộc được hỗ trợ tạo lập nhãn hiệu

Măng cụt Bảo Lộc được hỗ trợ tạo lập nhãn hiệu

Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết, năm 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định hỗ trợ thành phố Bảo Lộc tạo lập nhãn hiệu chứng nhận Măng cụt Bảo Lộc. Thành phố Bảo Lộc sẽ tiến hành thiết lập cơ chế bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Măng cụt Bảo Lộc”, nhằm đảm bảo việc kiểm soát chất lượng, xúc tiến thương mại, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của trái măng cụt Bảo Lộc.

Được biết, trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và các địa phương phụ cận, nông dân trồng hàng trăm ha măng cụt với năng suất và chất lượng rất tốt, cây cho trái lệch vụ với măng cụt miền Tây, mang lại một nguồn thu ổn định cho nông dân.

Khi nói đến “Măng cụt Bảo Lộc” những người nông dân thường hay nói đến cái tên Vũ Phi Hùng – xã Lộc Thanh, bởi ông là một trong những người tiên phong mạnh dạn đưa cây măng cụt về Bảo Lộc trồng đại trà. Ông cho biết, khởi nguồn từ 01 vài gốc măng cụt được trồng tại vườn nhà từ những năm 1972 đem lại giá trị kinh tế, năm 1998, ông chính thức đầu tư 100 gốc măng cụt xen canh trong 04 ha cà phê. Để có một vườn cây như ý muốn, ông đã dành thời gian xuống Viện cây ăn quả An Giang phân tích chất đất và chọn nguồn giống, cũng như tìm hiểu về khoa học kỹ thuật, sau đó áp dụng chăm sóc tại vườn nhà. Với sự nhiệt tình, đam mê, sự đầu tư khoa học, hợp lý và tỉ mỉ trong từng khâu chăm sóc, sau 18 năm ông đã sở hữu đến 600 gốc măng cụt, trong đó đã có hàng trăm cây ở thời kỳ kinh doanh đang cho thu hoạch với sản lượng đạt đến gần 100kg quả/cây/vụ.

Theo ông Hùng và các nông hộ cho biết, “Măng cụt Bảo Lộc” hiện có giá dao động từ 35.000 – 55.000 đ/kg, tùy thời điểm và tùy kích cỡ phân loại lớn nhỏ. Giá này được xem là khá cao so với các vùng, một phần là do thời điểm thu hoạch của “Măng cụt Bảo Lộc” lệch vụ so với các địa phương khác, nhưng nhìn nhận 1 cách thực tế là do chất lượng quả măng cụt được trồng tại Bảo Lộc, chính khí hậu tại nơi đây đã làm trái măng cụt ngon, đẹp cả về hình thức mẫu mã đến chất lượng. “Lớp vỏ mỏng, đẹp, căng mịn và bóng đều, cơm dày – trắng muốt, độ chua ngọt rất thanh và tỷ lệ hư hao cực kỳ thấp, chỉ sau một vài năm tiếp cận với thị trường, măng cụt Bảo Lộc đã thực sự có chỗ đứng và nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng” các hộ nông dân và cả tiểu thương thu mua măng cụt đều chung nhận định.

Việc xây dựng nhãn hiệu cũng chính là mong mỏi của rất nhiều hộ nông dân đang canh tác măng cụt tại cao nguyên Bảo Lộc, bởi theo họ, bên cạnh chất lượng thì nhãn hiệu chính là nhân tố quyết định giá thành, nhãn hiệu cũng sẽ giúp người tiêu dùng phân biệt rõ đâu là măng cụt Bảo Lộc chính hiệu với các loại măng cụt ở những vùng khác.

Theo số liệu thống kê, toàn thành phố có trên 500 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là các loại như: bơ, sầu riêng, măng cụt. Trong đó riêng măng cụt, tổng diện tích đạt trên 100 ha. Được trồng rải rác tại các địa bàn: Lộc Sơn, Đamb’ri, Lộc Thanh, Lộc Châu, B’lao,…

Đây là loại cây trồng có thời gian thu hoạch từ tháng 8 đến giữa tháng 10 dương lịch. Nhờ giá thành và hiệu quả kinh tế cao, cùng với tuổi thọ và thời gian cho thu hoạch trung bình lên đến 100 năm, trong khi chi phí đầu tư chăm sóc không cao, loại cây này được tôn vinh là nữ hoàng của trái cây vẫn đang tiếp tục được và còn nhân rộng thay thế phần diện tích cà phê hoặc các loại cây trồng già cỗi, hoặc trồng xen canh nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất canh tác trên cùng đơn vị diện tích cũng như tiết kiệm công chăm sóc và chi phí đầu tư.

“Măng cụt Bảo Lộc” đã và đang là loại trái cây đặc sản. Nhu cầu thu mua măng cụt tại Bảo Lộc luôn ở mức cao, thị trường tiêu thụ rộng mở, nhất là thị trường tại các thành phố lớn như: thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận, vấn đề còn lại là làm thế nào để ổn định giá thành qua từng thời vụ, tạo điều kiện cho người nông đân được hưởng lợi nhuận ở mức cao nhất, giúp họ yên tâm và ngày càng có động lực tạo ra những sản phẩm ngon nhất, tốt nhất phục vụ thị trường, phục vụ ngừơi tiêu dùng và làm giàu chính đáng trên diện tích canh tác mình đang có.

Trả lời